Nhiều phụ huynh có con gặp những vấn đề bất thường tại mắt khiến bản thân lo lắng vô cùng. Tuy nhiên, khi có cơ hội để hỏi thăm tình trạng của con với bác sĩ hay đưa con đi khám thì lại chưa biết cần cung cấp những thông tin gì để bác sĩ có đầy đủ dữ liệu để hướng dẫn cho con mình. Việc thiếu thông tin sẽ không thể chẩn đoán được hoặc chẩn đoán không chính xác dẫn tới bất lợi cho trẻ. Vì vậy quý phụ huynh nên nắm được các thông tin cần thiết để cung cấp cho bác sĩ khi hỏi hay đưa con đi khám sẽ giúp con có thể cải thiện tốt các vấn đề.
Thị lực
Thị lực là chỉ số cơ bản nhưng rất quan trọng mà bất kỳ bé nào cũng cần được đánh giá và ghi chép lại đầy đủ để theo dõi. Với thị lực có phân ra nhiều loại thị lực khác nhau mà các phụ huynh cần biết:
– Thị lực không kính (Xa & Gần)
– Thị lực có kính (Xa & Gần)
– Thị lực kính lỗ (Nếu có)



Chỉ số khúc xạ (Tật khúc xạ)
Thông số tật khúc xạ là chỉ số hết sức quan trọng cần phải có trong bất kỳ quá trình khám mắt nào, đặc biệt là ở trẻ em. Các chỉ số này sẽ cho chúng ta biết con có mắc tật khúc xạ hay không, mắc loại tật khúc xạ nào và mức độ bao nhiêu?
Đi kèm với thông số khúc xạ, cần phải đánh giá mức độ thị lực với tật khúc xạ đó để bác sĩ theo dõi có cái nhìn đúng đắn nhất về hiệu quả điều chỉnh tật khúc xạ và theo dõi quá trình cải thiện thị lực của trẻ. Nếu không đánh giá thị lực đi kèm thì gần như sẽ không thể theo dõi tiến trình bệnh lý của trẻ


Với thông số khúc xạ, đối với những trường hợp đặc biệt cần kết quả khúc xạ liệt điều tiết thì bố/mẹ sẽ thấy 2 kết quả khúc xạ có thể khác nhau trong sổ của con và nên cung cấp đầy đủ chúng:
– Khúc xạ không liệt điều tiết
– Khúc xạ liệt điều tiết

Và các kết quả này sẽ chính xác nhất khi được đánh giá bằng phương pháp Soi bóng đồng tử

Các chỉ số chức năng
Các chỉ số chức năng là những chỉ số đánh giá chức năng vận động, chức năng hợp thị, chức năng điều tiết của trẻ. Cho bác sĩ biết và theo dõi được tình trạng lác/lé hay sự cải thiện về chức năng thị giác 2 mắt thông qua chỉ số thị lực lập thể.
Các chỉ số chức năng tối thiểu nên đánh giá:
1. Chỉ số tình trạng lác (Cover Test, HirschBerg, Maddox…)
2. EOM (Vận nhãn)
3. NPC (Cận điểm quy tụ)
4. Stereopsis (Thị lực lập thể)
Đánh giá thêm nếu có thể:
5. AA (Biên độ điều tiết)
6. Sắc giác
7. Thị trường


Tình trạng sức khỏe mắt
Cuối cùng, tình trạng sức khỏe mắt là những thông tin được ghi lại trong kết quả nhằm đánh giá các cấu trúc của nhãn cầu ở trạng thái bình thường hay bất thường. Thì các phụ huynh cần cung cấp những thông tin bác sĩ đã ghi trong sổ khám của trẻ
– Tình trạng sức khỏe bán phần trước (Mi mắt, kết mạc, giác mạc,…)
– Tình trạng bán phần sau (Gai thị, Hoàng điểm, võng mạc …)

Với các trường hợp cấp tính
Mắt gặp vấn đề mới phụ huynh cần chụp ảnh rõ nét phần mắt có vấn đề của con khi hỏi các bác sĩ/chuyên gia để có thể đánh giá cụ thể tình trạng của con nhất.



Hi vọng khi biết được rõ những thông tin trên, các phụ huynh sẽ cung cấp được đầy đủ, chính xác thông tin để các bác sĩ/chuyên gia có thể hỗ trợ các vấn đề thị giác của trẻ

"Con may mắn được gặp bác sĩ rất có tâm, thăm khám cẩn thận. Từ trước đến nay mặc dù phát hiện con nhược thị 2 năm nhưng cứ luẩn quẩn mãi không cải thiện. Em không biết nếu cứ vậy thì con sẽ ra sao nữa, có lẽ em sẽ phải ân hận suốt đời."